Lên núi Sơn Trà (Đà Nẵng), nếu may mắn du khách sẽ được chứng kiến loài linh trưởng quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng, đó là loài voọc chà vá chân nâu. Tuy nhiên, để được mục sở thị, du khách phải trang bị ống nhòm.
Nhưng để được mục sở thị cảnh gia đình nhà voọc cùng nhau dùng điểm tâm thì du khách phải kiên nhẫn, may mắn và phải đi thật sớm vào những ngày đẹp trời.

Voọc chà vá chân nâu núi Sơn Trà với đặc trưng 5 màu, được tổ chức bảo vệ động vật hoang dã quốc tế tôn vinh là “nữ hoàng” của các loài linh trưởng.


Gia đình voọc chà vá chân nâu ở núi Sơn Trà

Sơn Trà không chỉ là lá phổi xanh điều tiết khí hậu, là viên ngọc quí của thành phố Đà Nẵng mà Sơn Trà còn được biết đến với loài voọc chà vá chân nâu quí hiếm đã có tên trong sách đỏ Việt Nam.

Voọc chà vá chân nâu (hay còn gọi là voọc ngũ sắc) thuộc danh mục nhóm IIB mức nguy cấp trong sách đỏ Việt Nam, thuộc các loài động vật cần được bảo vệ vô điều kiện.

Ở Việt Nam, voọc chà vá chân nâu sống ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Kontum, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đồng Nai... nhưng nhiều nhất là ở bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng).

Voọc chà vá chân nâu ở Sơn Trà được phát hiện từ năm 1969. Đến nay đã có nhiều đoàn nghiên cứu khảo sát thực địa để tìm hiểu sâu về loài linh trưởng quý hiếm này. Nhiều đoàn làm phim trong và ngoài nước cũng đã đến đây, vì vậy hình ảnh loài voọc chà vá chân nâu tại núi Sơn Trà đã được thế giới biết đến.

Hiện mỗi ngày có hàng ngàn người dân, nhất là các bạn trẻ, du khách trong và ngoài nước lên núi Sơn Trà để ngắm voọc chà vá chân nâu. Theo khảo sát thì hiện nay số lượng voọc chà vá chân nâu núi Sơn Trà còn khoảng 300 đến 500 cá thể.

Ngày 23/8/2016, Thành ủy Đà Nẵng đã thống nhất chủ trương chọn voọc chà vá chân nâu tại bán đảo Sơn Trà làm hình ảnh biểu tượng thành phố Đà Nẵng. Chọn lựa này xuất phát từ định hướng xây dựng thành phố môi trường, thân thiện. Thông qua hình ảnh voọc chà vá chân nâu kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ môi trường.