Với chủ đề “Bản tình ca từ đá” lễ hội hoa tam giác mạch Hà Giang năm 2017 dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 4/10/2017 – 31/12/2017 nổi bật với hoạt động bay dù lượn trên thảm hoa.

Ngay sau khi những thửa ruộng bậc thang bước vào thu hoạch thì cũng là lúc màu vàng ấy được thay thế bằng sắc hồng của những cánh đồng hoa tam giác mạch. Hoa tam giác mạch là loại hoa đặc trưng của các tỉnh vùng núi phía Bắc như: Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang. Tuy nhiên ở Hà Giang, hoa tam giác mạch được trồng nhiều và đẹp nhất. Hoa nở rộ và có màu đẹp nhất vào độ cuối thu khoảng tháng 10, tháng 11 hàng năm.


Em bé giữa cánh đồng hoa. Ảnh: Ngô Huy Hòa (hachi8)

Chẳng ai có thể ngờ được vùng đất cao nguyên cằn cỗi, toàn sỏi trơ trọi và đá tai mèo dựng đứng lại có thể mọc lên loài hoa dịu dàng đến thế. Hoa tam giác mạch có khi bạt ngàn như một cánh đồng, khi mọc chênh vênh thành những nương hoa, khi lại lấp mình trong kẽ đá, đôi lúc thẹn thùng e ấp bên những căn nhà trình tường mộc mạc, đơn sơ. Hoa tam giác mạch mỏng manh nhưng lại sở hữu vẻ đẹp hoang dại, là nguồn cảm hứng bất tận của giới nhiếp ảnh.


Ảnh: Hoàng Anh


Lễ hội hoa tam giác mạch 2017 diễn ra khi nào?

Thời gian: Dự kiến bắt đầu ngày 4/10/2017 – 31/12/2017

Địa điểm: Các hoạt động chính diễn ra tại huyện Đồng Văn, các hoạt động phụ trợ diễn ra tại các điểm dừng nghỉ huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc và thành phố Hà Giang.


Ảnh: Thủy Trần/Tuổi Trẻ

Lễ hội hoa tam giác mạch 2017 có gì hấp dẫn?

Trong khuôn khổ lễ hội “hoa tam giác mạch” sẽ diễn ra nhiều hoạt động hấp dẫn như: Tổ chức hoạt động dù bay trên mùa hoa tam giác mạch; Hòa nhạc dưới chân cột cờ Lũng Cú với chủ đề “Âm vang Lũng Cú”; Hội chợ Công viên địa chất Quốc tế; Hội thi sản phẩm mật ong bạc hà tỉnh Hà Giang 2017 và Hội thảo Khoa học ứng dụng công nghệ và các giải pháp quản lý, nâng cao chất lượng mật ong bạc hà tỉnh Hà Giang; Chương trình ẩm thực thịt bò bít tết trên cao nguyên đá cùng các hoạt động du lịch trải nghiệm như trình diễn, giao lưu văn nghệ và các trò chơi dân gian truyền thống của đồng bào các dân tộc…


Ảnh: Hoàng Anh

Phương tiện di chuyển đến Hà Giang tham dự lễ hội hoa tam giác mạch

Di chuyển bằng ô tô: Từ Hà Nội, bạn nên đi xe khách đêm Hà Nội – Hà Giang xuất phát từ bến xe Mỹ Đình lúc 9h tối và tới 5h sáng sẽ đến Hà Giang (xe giường nằm cao cấp, liên hệ đặt chỗ qua điện thoại. Một số nhà xe uy tín là: Bằng Phấn, Hưng Thành, Hải Vân…). Giá từ 260.000 – 300.000 đồng/người. Sau khi đến Hà Giang, bắt xe khách nội tỉnh để di chuyển giữa các địa danh hoặc thuê xe máy để di chuyển.


Đường đi lên Đồng Văn. Ảnh: Tung Hoang

Di chuyển bằng xe máy: Tùy vào thời gian của chuyến đi mà bạn lựa chọn cung đường thích hợp cho mình như một số gợi ý dưới đây:

Cung 1: Khởi hành từ Hà Nội – Sơn Tây (đi đường 21 ở Cổ Nhuế) – cầu Trung Hà – Cổ Tiết – cầu Phong Châu (qua cầu Phong Châu rẽ tay trái) – men theo sông Thao tới thị xã Phú Thọ – Đoan Hùng rồi rẽ đi Tuyên Quang – theo quốc lộ 2 tới Hà Giang (chiều dài khoảng 300 km).

Cung 2: Khởi hành từ Hà Nội – Vĩnh Phúc – Việt Trì – Phú Thọ – Tuyên Quang – Hà Giang (hay tới quốc lộ 2C và quốc lộ 2, dài khoảng 280 km).

Gợi ý lịch trình phượt Hà Giang

Ngày 1: Khởi hành từ Hà Nội vào buổi sáng. Tới Hà Giang vào lúc chiều tối. Bạn có thể nghỉ buổi tối ngay tại thành phố, hoặc lựa chọn đi tiếp tới Quản Bạ (cách thành phố hơn 40 km) hoặc Yên Minh để nghỉ tối. Tuy nhiên, nghỉ tại Hà Giang hợp lý nhất để đảm bảo sức khỏe, sau quãng đường 300 km cơ thể cần được nghỉ ngơi. Buổi tối bạn có thời gian đi một vòng thành phố, ăn uống và nghỉ giữ sức cho ngày mai tiếp tục hành trình.


Ảnh:@quoclui98


Ảnh:@quanshotgun911

Ngày 2: Ăn sáng. Rời Hà Giang đi Quản Bạ, Yên Minh và tới cao nguyên đá Đồng Văn (có thể dừng ăn trưa tại Yên Minh hoặc Quản Bạ). Trên đường đi Đồng Văn bạn rẽ vào Phó Bảng (5 km) để thăm thị trấn ngủ quên. Nơi đây có những ngôi nhà cổ với kiến trúc độc đáo. Trên đường vào Phó Bảng bạn còn có cơ hội đi qua thung lũng hoa hồng và một cánh đồng tam giác mạch lớn ở ven đường (cách thị trấn khoảng 500 m).


Ảnh:@tinddimaf_


Ảnh:@maianhhh97

Rời Phó Bảng, địa điểm tiếp theo ngay dưới chân dốc là thung lũng Sủng Là. Nơi có thôn Lũng Cẩm nổi tiếng với ngôi nhà trong phim “Chuyện của Pao” và những thửa ruộng tam giác mạch trắng đẹp mê hồn. Ở Lũng Cẩm rất yên bình, bạn sẽ được tham quan những ngôi nhà người H’Mông lâu đời, con đường với hàng lê san sát và những cây thông ôn đới đẹp tuyệt vời.


Nhà của pao. Ảnh:@ilgdragon99

Rời Lũng Cẩm, địa điểm tiếp theo là Sà Phìn. Trên đường đi bạn sẽ gặp những thửa ruộng tam giác mạch nằm ngay khúc cua lên bãi đá mặt trăng.

Đến Sà Phìn, bạn ghé thăm dinh thự nhà họ Vương (hay còn gọi là nhà vua Mèo). Đây là một trong những dinh thự cổ còn sót lại của những gia đình giàu có nhờ buôn thuốc phiện ở Hà Giang.


Ảnh:@mozzie.piglet

Từ dinh thự họ Vương, bạn quay trở lại ngã 3 rẽ đi cột cờ Lũng Cú. Qua Phố Là, Ma Lé để đến cột cờ Lũng Cú – nơi đặt nét bút đầu tiên trên bản đồ hình chữ S. Ngay trên đường từ Ma Lé vào Lũng Cú bạn sẽ thấy một cánh đồng tam giác mạch lớn trên sườn đồi. Đây là nơi trồng nhiều tam giác mạch nhất cho đến hiện tại. Hành trình tiếp tục đến cột cờ Lũng Cú.


Ảnh:@hanoi_goodbye

Sau cột cờ Lũng Cú, bạn có thể lựa chọn quay check cột mốc 428 và sau đó đi Đồng Văn hoặc về thẳng phố cổ Đồng Văn (chú ý vấn đề thời gian vì đi tới mốc 428 hoàn toàn là đi bộ mất tới gần 3 giờ). Ăn tối và nghỉ lại tại Đồng Văn, kết thúc ngày thứ 2.


Phố cổ Đồng Văn. Ảnh: Viet Cuong

Ngày 3: Ăn sáng tại Đồng Văn và lên đường chinh phục Mã Pì Lèng, đi Mèo Vạc, Bắc Mê rồi về lại Hà Giang ăn trưa. Về Hà Nội lúc tối muộn. Đoạn đường này dài hơn 400 km nên bạn cần chuẩn bị sức khỏe, ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý đảm bảo cho một chặng hành trình khỏe mạnh và an toàn.


Ảnh:@xnelly11

CLICK ĐỂ ĐẶT TOUR DU LỊCH HÀ NỘI – HÀ GIANG – CAO BẰNG – BẮC CẠN