Là một huyện vùng cao giáp Lào của tỉnh Quảng Nam, Tây Giang không thực sự được nhiều du khách biết đến dù nơi này cách Hội An và Đà Nẵng chỉ hơn 110km.

Có rất nhiều thứ để kể về sự đặc biệt của vùng đất Tây Giang, nhưng có lẽ điểm đặc biệt nhất mà bất kỳ ai “vô tình” lạc đến đây đều không khỏi bỡ ngỡ, đó là khung cảnh không khác gì Tây Bắc mấy.


Với diện tích rừng nguyên sinh rộng lớn và vị trí đặc thù, độ cao trên 1.580m, khí hậu quanh năm mát mẻ, Tây Giang được ví như Đà Lạt ở miền Trung. Mùa hè, nhiệt độ xuống thấp hơn các vùng đồng bằng miền xuôi từ 8 – 10 độ, mỗi sáng sớm hoặc chiều muộn núi rừng luôn được bao phủ bởi một lớp sương mù nhẹ, khiến không gian thêm bảng lảng trong cái se sắt của núi rừng.


Ảnh: quy.bibi

Điểm nhấn đầu tiên khi người ta nhắc đến Tây Giang hẳn phải là đỉnh Quế cao 1.369m so với mực nước biển. Dù không phải là điểm cao nhất trên đường lên xã biên giới A Xan, nhưng có lẽ do địa hình đồi dốc ngoằn ngoèo kiểu lòng chảo nên ở đỉnh Quế dường như quanh năm mây phủ.

Đỉnh Quế được xem là ngọn núi đẹp nhất tỉnh Quảng Nam bởi quanh năm sương mù bao phủ trắng xóa. Đứng trên cao nhìn xuống, bạn có thể thấy biển sương rất rõ hệt như cảnh trần tiên như trong câu ca: “mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều” trong bài thơ Việt Nam Quê Hương Ta của nhà thơ Nguyễn Đình Thi.

Ở đây, buổi sáng bạn sẽ được đón bình minh và buổi chiều sẽ được ngắm hoàng hôn. Bạn sẽ cảm nhận được vẻ đẹp mà thiên nhiên ban tặng, ưu ái cho vùng đất này. Ánh bình minh từ từ nhô lên khỏi tán lá cây rừng hoặc cảnh hoàng hôn từ từ khép lại phía xa mờ trong biển sương được vẽ ra trước mắt bạn hoàn toàn thật và đầy sự trải nghiệm.


Ở phía trên đỉnh Quế là thác suối dựng đứng Ra-ai đổ từ đỉnh A Rùng (giáp Lào), quanh năm nước trong vắt, tung bọt trắng xóa. Bên cạnh đó, thác Rơ Cung sẽ khiến bạn ngạc nhiên trước vẻ đẹp lộng lẫy của thiên nhiên và sự kỳ công của tạo hóa.

Cách đỉnh Quế 10km đường nhựa là khu rừng nguyên sinh Pơ mu, trong đó có 725 cây Pơ mu vừa được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản. Chinh phục rừng di sản Pơ mu chính là thách thức đầy hấp dẫn cho bất kỳ du khách nào. Giữa không gian rộng lớn của núi rừng, của những thân cây to đến vài vòng tay, cao ngút ngàn, phủ đầy rêu mốc, con người bỗng trở nên bé nhỏ. Ngoài ra, còn hàng loạt tầng sinh thái gồm các cây gỗ và dược liệu quý như dổi, sến… chưa từng được khai thác.

Ngoài những thắng cảnh đẹp tuyệt vời không khác gì vùng Tây Bắc, Tây Giang còn là nơi sinh sống của cộng đồng người Cơ Tu. Những ngôi nhà Gươi, nhà Moong, nhà Dài độc đáo với kiến trúc và chạm trổ đặc trưng chỉ có ở người Cơ Tu nơi đây. Nếu có dịp qua đêm, bạn sẽ nghe giọng trầm khàn “ô..ô, a..a” từ điệu lí Cơ Tu của những già làng hay ngà ngà say bên ché rượu cần vây quanh đống lửa sân Gươi, ngắm nhìn những chàng trai, cô gái Cơ Tu tạo thành vòng tròn nghiêng mình trong điệu múa truyền thống.


Ảnh: Dương Văn Trường

Tây Giang có rất nhiều món ăn, thức uống độc nhất vô nhị mà không nơi nào có được. Uống có rượu nếp than, rượu Tr’din, Tà-vạt… Ăn có bánh sừng trâu, cà- đang (sùng đất), zará (món thịt cộng với rau rừng thọc nhuyễn trong ống lồ ô)…

Tây Giang vẫn còn là một vùng đất rất hoang sơ và ít người biết nhưng nhờ vậy mà nơi này vẫn giữ được vẻ bí ẩn thu hút những ai đam mê khám phá. Nếu miền Nam có Đà Lạt, miền Bắc có Sapa thì miền Trung đã có Tây Giang.

Một số lưu ý khi đến đến với Tây Giang:

- Trước khi đến Làng truyền thống Cơ Tu tại trung tâm huyện Tây Giang, bạn nên gọi điện hỏi trước để Già Làng sắp xếp thời gian thuyết trình cho bạn hiểu thêm về văn hóa Cơ Tu. Số điện thoại: 0166 999 21 57 gặp anh Pơ Lênh.

- Bạn nên gọi điện đặt phòng và cơm trước một ngày nếu có nhu cầu khi đến đỉnh Quế vì nơi này thức ăn không có sẵn. Số điện thoại: 0974 289 777 gặp chú Hạnh.

- Tây Giang có thời tiết mát mẻ, buổi tối và sáng sớm hơi se lạnh nên các bạn nhớ mang theo áo ấm và mang giày thuận tiện cho việc đi lại.

- Mạng Viettel sóng đầy và ổn định, những mạng viễn thông khác thì chập chờn.