Ở Việt Nam cũng có nhiều khu rừng cây phong phát triển và chuyển màu rất đẹp mỗi dịp thu sang, như Đà Lạt hay Pha Luông.

Đà Lạt: Rừng cây bên hồ Tuyền Lâm là nơi nổi tiếng với lá phong đỏ vào mỗi dịp tháng 10. Mới được phát hiện vài năm gần đây, khu vực này nhanh chóng được các bạn trẻ tìm đến check-in. Hành trình khám phá thường bắt đầu bằng tour chèo thuyền cao su qua hồ dài 6 km, sau đó đi bộ 15 phút theo đường mòn vào rừng. Các cây phong ở đây mọc nối tiếp nhau, chuyển màu đến cuối tháng 12. Ảnh: Thanh Tuyết.

Hải Dương: Điểm đến nổi tiếng với cây phong ở Hải Dương là chùa Thanh Mai, xã Hoàng Hoa Thám, thị xã Chí Linh. Tại đây rừng cây phong bao quanh chùa rộng đến 100 ha, tạo nên phong cảnh thiên nhiên ít nơi có được, nhất là vào mùa lạnh. Cây phong ở đây cao, đường kính thân 60-70 cm, mọc từ lưng chừng núi lên đến đỉnh. So với Đà Lạt, lá phong ở đây chuyển màu muộn hơn. Ảnh: Giang Chinh.

Cao Bằng: Tại tỉnh biên giới này, bạn cũng có thể ngắm những cây phong trên hành trình chinh phục núi Báo Đông, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan sát trận địa Đông Khê năm 1950 ở huyện Thạch An. Để lên đài quan sát du khách phải bước qua hơn 840 bậc đá. Cây phong mọc trên núi ngay trên chặng đầu của hành trình, gần lối đi nên rất dễ quan sát. Ảnh: Vy An.

Đỉnh Fansipan: Phong mọc ở độ cao 3.000 m, thuộc đỉnh Fansipan, Lào Cai. Để ngắm được khung cảnh như ở trời Âu du khách phải vượt qua quãng đường núi với địa hình phức tạp. Cây phong già tán lớn, thân xù xì, mốc trắng. Ngày nay, du khách có thể lên Fansipan bằng cáp treo. Tuy không được chạm tay vào những chiếc lá phong đỏ, du khách có thể ngắm tán lá đổi màu từ trên cao. Ảnh: Hachi8.

Pha Luông: Trên đường chinh phục đỉnh Pha Luông, nóc nhà của Mộc Châu (Sơn La), những cây phong vươn tán lớn nổi bật giữa rừng xanh sẽ thu hút ánh nhìn của bạn. Từ đầu mùa thu, lá sẽ chuyển màu từ xanh sang vàng, nhưng đến cuối mùa, loạt lá đổi màu đỏ rực. Đây như phần thưởng trên hành trình 4 tiếng đi bộ đường rừng để chinh phục đỉnh Pha Luông. Ảnh: Mèo Già.

Nguồn: vnexpress