Những ngày này, đến Đà Lạt du khách sẽ choáng ngợp trước sắc vàng của dã quỳ.

Dã quỳ bao phủ lên từng ngọn đồi, từng lối đi, từng con đường, ngõ hẻm… như một thảm hoa mà tạo hóa đã dày công thêu dệt để sưởi ấm cho vùng cao nguyên vào những ngày tiết trời dần se lạnh.

Để thưởng thức trọn vẹn vẻ đẹp của loài hoa này, du khách chỉ cần thuê xe máy dạo một vòng ngoại ô, băng qua những con đường đầy sắc hoa tươi thắm.

Và chỉ cần quanh quẩn phố núi, ở bất kỳ đâu bạn cũng được nhìn ngắm, thưởng thức vẻ đẹp của dã quỳ.

Tuy nhiên, có những con đường mà bạn không nên bỏ qua, bởi đây là nơi tập trung nhiều hoa nhất, đẹp nhất và rực rỡ nhất.

1. Đà Lạt – Trại Mát – Cầu Đất – D’ran – Đơn Dương – Châu Sơn – Phi Nôm – Tu Tra

Đây là một trong những cung đường dài được xem nhiều hoa dã quỳ nhất Đà Lạt. Một đoạn đường thơ mộng với những thung lũng nép mình bên đồi thông, sắc vàng dã quỳ len lỏi phủ đầy từ đỉnh núi đến đồi thông, dọc khắp các lối đi như một bức tranh thiên nhiên sống động.

Trại Mát – đồi chè Cầu Đất nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 30 phút chạy xe. Đến Trại Mát, bạn có thể ghé thăm các vườn rau củ, ghé qua đồi chè Cầu Đất và đắm mình trong khung cảnh thiên nhiên vàng rực của hoa dã quỳ hai bên đường.

Từ đèo D’ran lên Đà Lạt, sắc vàng của những khóm hoa dã quỳ ẩn hiện trong màn sương sớm đầy lung linh ảo diệu (đặc biệt là buổi sáng sớm). Đến đây, bạn chạy xe máy vào các con đường mòn đất đỏ bazan, càng vào sâu dã quỳ càng nhiều càng vàng nhuộm hơn.

Đặc biệt, khu vực Tu Tra có nguyên một con đường dài, hai bên đầy ắp dã quỳ vàng nhuộm cả con đường, tạo nên bức tranh thơ mộng, say đắm.

2. Đà Lạt – làng hoa Vạn Thành – Tà Nung – thác Voi – LangBiang

Đi dọc cung đường này, du khách có thể đi tham quan làng hoa Vạn Thành với nhiều loài hoa đẹp khác. Đến thác Voi, khu du lịch Langbiang và cuối cùng là chiêm ngưỡng những con đường hoa thật đẹp.

3. Cung đường Đà Lạt – Liên Khương (theo quốc lộ 20) – Nam Ban – Tà Nung – Đà Lạt gần 100km cho bạn thêm những trải nghiệm về những sườn núi ngập sắc vàng dã quỳ.

Nở trong một thời gian dài nhưng thời điểm lý tưởng nhất để ngắm hoa, chụp ảnh là buổi sáng từ 8g – 10g và buổi chiều từ 3g – 4g.

Đây là khoảng thời gian hoa nở rộ trong ngày, giữa nền trời trời trong xanh và nắng ấm, cho du khách những khoảnh khắc tuyệt vời bên những con đường ngập tràn hoa dã quỳ.

Tuy nhiên, cuối tháng 10, đầu 11, Đà Lạt vẫn thường hay mưa, bạn đừng quá lo lắng cảnh sáng nắng đẹp, chiều mưa lạnh buốt.

Chỉ cần lên lịch trình tham quan kỹ lưỡng, ngắm dã quỳ buổi sáng, buổi chiều tham quan các điểm khác thì chuyến đi của bạn sẽ trọn vẹn và mỹ mãn.

Hoa dã quỳ hay còn gọi là cúc quỳ, sơn quỳ, hướng dương dại, là một loài cây thuộc họ cúc có màu vàng cam, sinh trưởng nhanh và thường ra hoa vào dịp cuối thu, đầu đông (kéo dài từ khoảng cuối tháng 10 đến hết tháng 11 hằng năm).

Dã quỳ vốn có nguồn gốc từ các vùng cận nhiệt đới và nhiệt đới. Tại Việt Nam, trước đây hoa dã quỳ được người Pháp đưa vào trồng ở các đồn điền thuộc tỉnh Lâm Đồng, dùng để làm phân xanh cho các vườn cao su, cà phê. Do trong loài cây này chứa nhiều hợp chất dinh dưỡng có lợi, giúp cây phát triển.

Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, dần dần về sau hoa dã quỳ được trồng lan rộng ra khắp nhiều nơi. Và không biết tự bao giờ, dã quỳ trở thành loài hoa biểu tượng của thành phố Đà Lạt.

Về mặt hình thức, dã quỳ là đứa con lai của hướng dương và hoa cúc. Cánh hoa màu vàng cam rực rỡ, nhụy hoa căng tròn, đầy sức sống, mang ý nghĩa của sự kiêu hãnh, đồng thời tượng trưng cho một tình yêu chung thủy bền lâu.

Chính vẻ đẹp rực rỡ cả về hình thức lẫn tâm hồn này đã khiến dã quỳ trở thành loài hoa làm say đắm biết bao trái tim người lữ khách.

Và mỗi năm, cứ vào độ cuối tháng 10, tháng 11 người ta lại nô nức rủ nhau lên Đà Lạt để thưởng thức vẻ đẹp của loài hoa quyến rũ này.

Nguồn và ảnh: Internet